Chiang Mai cổ kính mê hoặc ngày trở lại

Ban đầu, tôi không dự định đi Chiang Mai, chỉ thấy AirAsia bán vé rẻ đi Bangkok là cứ book để đó rồi đi đâu sẽ tính tiếp. Vậy là sau khi book vé TP HCM – Bangkok xong, hằng ngày tôi bắt đầu săn tiếp vé rẻ các chặng bay nội địa của Thái. Tôi đang ham hố muốn đi Koh Samui hay Krabi, Hin Hua gì đó chứ không tính lên Chiang Mai vì nơi đây tôi đã đi một lần rồi. Vậy nhưng vé đi Samui không hề rẻ bởi chỉ có một hãng Bangkok Air bay đến đó nên giá cao chót vót, cao hơn cả vé từ TP HCM bay qua Bangkok. Còn Krabi thì nghe bạn đi về nói biển không đẹp bằng Samui mà kiểu na ná như Phuket trong khi Phuket thì đã đi mấy lần rồi. Hỏi ý kiến mấy người bạn đi cùng thì ai cũng bảo họ muốn đi Chiang Mai vì tất cả họ chưa ai biết Chiang Mai, vậy nên cuối cùng tôi book vé đi Chiang Mai để vừa làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho mấy người bạn, lại vừa tái ngộ với mảnh đất hơn 5 năm trước tôi ghé đến và đã có thật nhiều những ấn tượng đẹp chưa thể phai mờ.

chiangmai

Qua đến sân bay Bangkok, bụng bắt đầu đói cồn cào, vậy là ngồi ngay xuống food court ăn hết phần tom yum cay xè, xong là phóng nhanh qua phía ga nội địa check-in để nối tiếp chuyến bay đi Chiang Mai. Vì ít tiền, ham giá rẻ nên tôi book toàn chuyến bay sát sít nhau, cứ sợ nếu chuyến đi từ TP HCM qua mà delay một phát là tiêu. Vậy nhưng trời thương nên mọi chuyện đều diễn ra đúng như lịch trình đã định và tới Chiang Mai là lúc phố đã lên đèn.

Chiang Mai là thành phố lớn thứ hai của đất nước ngập nụ cười Thái Lan, nằm về phía bắc Bangkok và cách Bangkok chừng 1 giờ bay. Chiang Mai không hiện đại đông đúc, không nhiều shopping mall, không nhiều điểm vui chơi mang tính thương mại như Bangkok mà có một nét đẹp yên bình, nhẹ nhàng theo nét rất riêng của mình.

Chiang Mai không có tàu điện trên không hay tàu điện ngầm như Bangkok, phương tiện đi lại công cộng chủ yếu là red cab, tuk tuk và taxi. Đến Chiang Mai tôi nghĩ đi red cab và tuk tuk là thích nhất. Trời mát mẻ, ngồi trong red cab hay tuk tuk nhìn ngắm phố phường khá thú vị. Chiang Mai không nhiều xe cộ như Bangkok nên các chú lái tuk tuk chạy tốc độ như bay, hai bên nhà cửa không cao, thi thoảng xe chạy qua những hồ nước, con sông mát rượi rất là đã.

Chiang Mai có khá nhiều cây xanh, thành phố này không có đường trên cao ngang dọc như Bangkok nên cây cối được trồng khắp nơi trong thành phố. Vào khoảng tháng 11, những con đường ở Chiang Mai có cây hoa vàng nở rộ rất đẹp. Tôi không biết tên cây này là gì nhưng nhìn những cánh hoa vàng rực rỡ ấy lòng lại thấy thích vô cùng.

Buổi sáng ở Chiang Mai thật dễ chịu, đường phố không xô bồ xô bộn, thành phố thức dậy khá trễ và các quán cafe cũng mở cửa trễ. Chiang Mai giống ở TP HCM là có nhiều quán cafe đẹp và người dân nơi đây hình như cũng thích uống cafe nên các xe cafe dạng như cafe cóc ở ta cũng nhiều. Thi thoảng trên phố, có những quán cafe nho nhỏ với những bộ bàn ghế xinh xắn trông rất dễ thương và những chậu hoa treo lơ lửng, những giàn dây leo đổ xuống nhìn đẹp mê hồn.

Chiang Mai nổi tiếng với khu chợ đêm Night Bazaar lúc nào cũng tấp nập du khách. Chợ đêm bắt đầu từ chiều tối và kết thúc lúc sáng sớm. Du khách hay truyền miệng nhau “Đến Chiang Mai mà chưa đi chợ Night Bazaar là coi như chưa đến Chiang Mai” quả là thật là có lý! Night Bazaar theo tôi là khu chợ đêm dễ thương và hay ho nhất mà tôi từng đi qua trong các khu chợ đêm tôi đã đặt chân đến. Chợ bán đa số là hàng thủ công mỹ nghệ, hàng handmade của vùng Chiang Mai và các tỉnh phía bắc Thái là chính, không nhiều hàng Tàu như những chợ đêm nơi khác và hàng handmade ở đây rất đẹp, giá cả lại rẻ và quan trọng là người bán hàng rất dễ thương, mua cũng được, không mua cũng vui và chụp hình thì thoải mái chẳng ai lườm nguýt gì cả. Khu Night Bazaar khá rộng, trải dài hai bên đường và vào trong những bãi đất rộng, khu nhà lồng to phía trong nữa. Gần khu chợ đêm là vô số các quán ăn, cafe, bar và những tiệm massage giá rẻ bằng phân nữa Bangkok mà dịch vụ và cung cách phục vụ còn hơn nữa mới đã chứ.

chiangmai 1

Chợ đêm Chiang Mai tuy rộng, đông đúc nhưng không xô bồ mà có cái gì đó yên bình, nhẹ nhàng như chính con người Chiang Mai vậy. Phải nói là con người ở Chiang Mai rất hiền, họ luôn vui cười và phong thái cứ chầm chậm chứ không hối hả. Đi thăm mấy ngôi chùa, ngôi đền ở Chiang Mai, tôi đã chọn đi xe tuk tuk và bao xe đi theo giờ. Bác tài đánh một tour quanh các ngôi chùa, ngôi đền nổi tiếng ở khu vực Chiang Mai hết chừng 3 giờ đồng hồ với chi phí 200 baht/giờ. Tài xế ở Chaing Mai có thể nói tiếng Anh, tuy không tốt nhưng họ hiểu và nói được những vấn đề cơ bản. Mắc cười nhất ở Thái Lan là người dân quen dùng “no have” thay vì “don’t have”, nghe loáng thoáng cứ tưởng họ nói “no hair” vậy đó.

Ngôi chùa sơn son bọc vàng rất đẹp ở Doi Su Thep là điểm đến không thể bỏ qua của mọi du khách khi đến Chiang Mai. “Doi” tiếng Thái có nghĩa là đồi, núi. Ngôi chùa tôi nói đến nằm trên đỉnh cao nhất của Doi Su Thep. Chúng tôi đi tuk tuk đến chân đồi rồi đón xe trung chuyển là xe red cab để lên đỉnh vì xe tuk tuk không thể nào bò lên được. Đường đèo dốc quanh co rất đẹp và có rất nhiều cây xanh bao phủ. Ngôi chùa nằm ở đỉnh cao nhất của Doi Su Thep, từ bãi đậu xe muốn lên chùa phải leo hơn 300 bậc tam cấp, những ai làm biếng đi bộ thì có thể đi thang máy lên với giá 50 baht. Ở Thái, khi vào bất cứ chùa đền nào cũng phải cởi dép giày ra và ăn mặc cho chu chỉnh mới được vào cho dù ngôi chùa hay đền đó lát đá, lát gạch, trải thảm hay chỉ là nền đất bởi theo họ đó là thái độ, là hành vi tôn kính của con người đối với tín ngưỡng bề trên. Cách người ta cúng dường cũng vậy, họ bỏ vào các hòm công đức hay kẹp vào những nẹp tre kiểu như cành hoa giả rồi để phía dưới chứ không có kiểu vứt vương vãi trên bàn thờ như ở các đền chùa phía bắc nước mình.

Đền chùa ở Chiang Mai tuy không to bự như Bangkok nhưng hầu hết đẹp hơn, cổ hơn và mang tính lịch sử dài hơn bởi Chiang Mai là cái nôi văn hóa của đất Thái. Ở Chiang Mai hồi năm 2006 tôi đến, đã có dịp tham dự lễ xuống tóc vào chùa đi tu một năm của những bạn rất trẻ. Ở đây hầu như ai lớn lên cũng vào chùa tu một thời gian để rèn dưỡng tâm tính, nếu ai có duyên với cửa Phật sẽ ở lại tu cho hết kiếp, còn không thì xuất gia trở lại với cuộc sống đời thường. Theo tôi, đây chính là cách làm cho con người ở Thái trở nên rất hiền hậu và thân thiện. Nếu được sống ở Thái, tôi chắc chắn mình sẽ tham dự khóa tu ngắn hạn này.

Ngày thứ hai ở Chiang Mai tôi mướn xe đi Chiang Rai để thăm The White Temple, xem người dân tộc cổ dài và đi Tam Giác Vàng. Chiang Rai cách Chiang Mai gần 200 km nhưng đường đi khá tốt. Ấn tượng nhất ở Chiang Rai là ngôi đền Trắng hay tiếng Thái là Wat Rong Khun (The White Temple) cách trung tâm Chiang Rai 13 km về phía nam mới được xây dựng từ cuối thập niên 90. Ngôi đền rất đẹp và độc đáo này là tác phẩm của Chaloemchai Khositphiphat, bây giờ là điểm đến yêu thích nhất của du khách khi đến Chiang Rai.

Ấn tượng làm tôi giật mình khi thăm ngôi đền này là cái restroom (nhà vệ sinh công cộng) của nó. Theo tôi, đây là restroom đẹp và hoành tráng nhất nếu có cuộc thi bình chọn “Best restroom in the world”.

chiangmai 2

Dự tính ban đầu của tôi là phải vào xem cho được bộ lạc người cao cổ nhưng bất thành vì phí vào xem cao quá. Vé vào cổng là 500 baht/pax chỉ để vào xem và chụp hình những người cổ cao đeo vòng trên cổ này. So với những nơi khác toàn free vé vào cửa thì nơi đây lại là điểm bán vé đắt nhất bởi theo người bán vé, sau khi tôi hỏi sao bán đắt quá vậy thì họ bảo rằng họ cần nhiều tiền để nuôi những người cao cổ này, họ thuộc nhóm người thiểu số ở Bumar trốn qua đây, người Thái làm du lịch cho họ vào ở trong một khu riêng, họ không có giấy tờ để đi ra ngoài được nên họ chỉ ở một chỗ và những người đang chăm coi những người cổ cao này cần nhiều tiền để lo cho ăn uống, sức khỏe của họ. Đó là lý do giá vé vào cổng xem những người cao cổ là 500 baht/người. Tôi so đo tính toán thấy 500 bath vị chi là 350.000 đồng, số tiền này chỉ để vào xem người cao cổ là không đáng, thôi để dành sang năm đi Bumar xem luôn nên tôi chỉ ở ngoài xem và chụp lại mấy tấm hình ở bên ngoài rồi đi tiếp tục lên Tam Giác Vàng.

Cũng như hầu hết tất cả các nơi trên đất nước xinh đẹp Thái Lan, ăn uống ở Chiang Mai cũng ngon hết sức. Mà có lẽ do tôi mê đồ ăn Thái nên hầu như đi ăn tiệm nào tôi ăn cũng thấy ngon hết, việc quan trọng là đi check giá trước menu khi ăn vì đi chơi kiểu balô tiền bạc có hạn. Hủ tiếu 30-40 bath/bát, gỏi đu đủ 40-50 baht/đĩa, tom yum 70-100 baht/phần… nói chung là giá rẻ và ăn ngon hết sẩy. Bị nghiện tom yum, gỏi đu đủ nên ngày nào tôi cũng ăn ít nhất 2 bữa tom yum và một phần gỏi đu đủ.

Buổi tối ở Chiang Mai tôi bấm bụng bỏ hơn 600 baht đi coi show múa truyền thống của người Lanna và ăn tối theo kiều Khantoke ở Old Cultural Centre. Người Lanna là dân tộc cai trị vùng Chiang Mai trước đây và có ngôn ngữ, nét văn hóa riêng. Nếu đến Chiang Mai, bạn nên tham gia show này để biết thêm về văn hóa của vùng Bắc Thái. Những vũ công là người Lanna múa ngón tay có gắn cái móng giả dài cong (The finger – nail dance) rất đẹp và điệu nghệ. Du khách đến đây vừa ăn tối, vừa xem biễu diễn ngoài trời rất đông dù giá vé không hề rẻ và tỏ vẻ bên ngoài thì thấy ai cũng rất hào hứng. Chính những vũ điệu, bữa ăn theo kiểu riêng của show diễn đã làm cho sản phẩm du lịch của người Thái càng thêm màu sắc, thu hút du khách và moi thêm tiền được của du khách khá nhiều. Cuối buổi, du khách còn được giao lưu nhảy múa chung với các vũ công trên nền nhạc truyền thống của người Lanna nữa nên coi bộ ai cũng thích thú và đọng lại trong họ đầy ắp những kỷ niệm về đất nước của nụ cười này.

Leave a Reply